Nam Bộ kháng chiến và hành trình đấu tranh vì một nước Việt Nam thống nhất
Lượt xem: 4165
(Theo TCTG)-Ngày 23-9-1945, Nam Bộ đã đi đầu cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Và với tinh thần, ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hình ảnh Nam Bộ nói riêng, miền Nam nói chung luôn sâu đậm trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng Tổ quốc. Đồng bào miền Nam xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” vẻ vang mà Hồ Chủ tịch đã tặng vào tháng 2-1946.

   1.Tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 trên khắp cả nước đã giành được thắng lợi. Nước nhà đã được độc lập, tự do. Khát vọng ngàn đời, cuộc đấu tranh 15 năm đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do Hồ Chí Minh đứng đầu đã mang lại cho nhân dân Việt Nam niềm vui được giải phóng, được “đổi đời” với bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[1].

   Tuy nhiên, trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, niềm vui tự do và độc lập của nhân dân ta đã không thể kéo dài.Tại miền Nam, được phái bộ Anh che chở, thực dân Pháp đã có những hành động khiêu khích, bắn phá khi đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn mít tinh, chào mừng ngày lễ độc lập 2-9-1945, làm gần 50 người chết và bị thương. Không dừng lại ở đó, thực dân Pháp càng ráo riết chuẩn bị đánh chiếm Sài Gòn, khi quân Anh trả tự do và giao súng cho hàng ngàn tên lính Pháp bị quân Nhật bắt giam (khi Nhật tiến hành đảo chính Pháp, ngày 9-3-1945). Được “bật đèn xanh”, bọn chúng vừa khiêu khích, kích động, vừa gây rối, để tạo điều kiện cho phái bộ Anh vu cáo chính quyền cách mạng không giữ được trật tự, trị an, đồng thời ra lệnh cho lính Nhật tước vũ khí và đòi chính quyền cách mạng phải giải tán các đơn vị tự vệ, đòi quân cách mạng phải rút hết ra khỏi thành phố, trao lại các bốt cảnh sát, rời khỏi trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ (dinh Thống đốc cũ) để trao lại cho quân Pháp,v.v..

   Trong khi nhân dân Nam Bộ vẫn luôn bình tĩnh, nhân nhượng để giữ vững nền hòa bình theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì ngày 21-9-1945, quân Anh chiếm đóng trụ sở cảnh sát quận 3, đồng thời ra lệnh thiết quân luật, cấm nhân dân không được biểu tình, không được hội họp, không được đem theo vũ khí và đi lại ban đêm, tạo điều kiện cho quân Pháp chuẩn bị gây hấn,v.v.. Tiếp đó, tối ngày 22-9-1945, quân Anh đã làm ngơ cho quân Pháp nổ súng chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và nhiều cơ quan nhà nước của ta ở trung tâm thành phố. 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xam lược nước ta lần thứ hai. Chúng âm mưu chiếm Nam Bộ, để dùng Nam làm bàn đạp chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.

   Ngay sau vụ khiêu khích của thực dân Pháp ngày 2-9, Xứ ủy và Ủy ban lâm thời Nam Bộ đã nhận định: Âm mưu tái xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã rõ ràng. Không thể để “đầu rơi, máu chảy”, và cũng không một sức lực nào có thể ngăn cản được sức mạnh và khát vọng giữ vững lời thề Độc lập, mọi biện pháp đối phó trước mắt, chuẩn bị kháng chiến đã được triển khai khẩn trương (thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, cải tổ Ủy ban nhân dân lâm thời, tổ chức hơn 300 đội xung phong công đoàn, đưa phần lớn lực lượng vũ trang ra ngoại thành, hình thành 5 mặt trận nội và ngoại thành, v.v..). Với sự chuẩn bị tích cực, kịp thời và hiệu quả đó, với chủ yếu là gậy tầm vông, và một ít súng, quân dân Sài Gòn đã anh dũng, kiên cường đi đầu trong hành trình kháng chiến chống thực dân Pháp. Và hướng về miền Bắc, về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu với sức mạnh của niềm tin tất thắng “Bắc Nam là cây một cội, là con một nhà”, các đơn vị bảo vệ, tự vệ của một Sài Gòn bất khuất đã chiến đấu ngay từ đêm 22-9-1945, để ngăn chặn bước tiến của quân thù.

   Nhạy bén với tình hình, sáng sớm ngày 23-9-1945, Xứ uỷ và Uỷ ban hành chính Nam Bộ (sau đổi tên thành Uỷ ban kháng chiến), cùng đại diện Tổng bộ Việt Minh đã họp khẩn cấp tại phố Cây Mai, Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi). Hội nghị nhất trí tán thành chủ trương phát động nhân dân kháng chiến và thông qua bản Hiệu triệu quân dân Nam Bộ vùng lên, đánh trả quân địch. Chủ động đối phó với âm mưu và thủ đoạn của địch, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã ra lệnh rút các sư đoàn Cộng hòa Vệ binh và sư đoàn Dân quân cách mạng ra vùng ngoại ô,v.v..Tại nội thành Sài Gòn, chỉ có 320 đội tự vệ chiến đấu và một số tiểu đoàn Cộng hòa vệ binh tuần tra canh gác công sở. Tuy mới hình thành, tổ chức còn phân tán, lại được trang bị vũ khí thô sơ, song với lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, các đơn vị vũ trang đã cùng nhân dân Nam Bộ sục sôi căm thù, nhất tề đứng dậy, quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt “Nam Bộ kháng chiến”, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

   Tuần cuối tháng 9, những trận đánh của quân dân Nam Bộ liên tiếp diễn ra ở khu Tân Định, Cầu Muối, cầu Lái thiêu, cầu chữ Y,v.v... Trong khi đó, công tác phá hoại (xí nghiệp, công sở lớn, tàu lớn, tàu nhỏ, xe hơi, một số cầu, đốn cây,v.v..), thực hiện một “thành phố không điện, không nước”, bất hợp tác của nhân dân Sài Gòn (nhân dân sơ tán khỏi thành phố, chợ không họp, lương thực, thực phẩm cạn dần,v.v..) đã gây cho quân Pháp rất nhiều khó khăn.

   2. Trong khi đó, ở miền Bắc, nạn đói vẫn đang hoành hành. Gần 20 vạn quân Tưởng kéo vào giải giáp quân Nhật, với dã tâm không chỉ “diệt Cộng, cầm Hồ”, mà còn muốn xóa bỏ chính quyền cách mạng non trẻ, nhằm dựng lên một chính phủ bù nhìn thân Tưởng. Chưa bao giờ trên đất nước ta, lại nhiều kẻ thù đến vậy, và cũng chưa bao giời vận mệnh dân tộc lại đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” như thế. Song, ở vào thời khắc quyết định đó, ở Hà Nội, vừa lo đối phó với quân Tưởng và bè lũ tay sai, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng hàng ngày, hàng giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến phức tạp ở miền Nam.

   Ngay khi nhận được điện báo cáo của xứ ủy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đã họp khẩn cấp, nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Chính phủ đã ra Huấn lệnh cho quân dân Nam Bộ, đồng thời kêu gọi đồng bào cả nước chi viện sức người, vũ khí, đạn dược cho cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam. Ngày 26-9-1945, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ và khẳng định rằng: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Đồng bào Nam Bộ kháng chiến nhất định thắng lợi, “nước Việt Nam độc lập muôn năm. Đồng bào Nam Bộ muôn năm”[2].

   Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các địa phương Bắc-Trung- Nam sục sôi hướng về Nam Bộ, với những khẩu hiệu, lời thề: “Cương quyết giành độc lập”,“Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ ”, phát động “Quỹ ủng hộ Nam Bộ ”, các chi đội Nam tiến gấp rút lên đường vào Nam chiến đấu... Chi đội giải phóng quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội đêm 26-9-1945, đã mở đầu phong trào cả nước ra trận, phản ánh khát vọng và quyết tâm của cả dân tộc: Nam Bộ là máu của máu, là thịt của của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.

   Đặc biệt, từ cuối tháng 10-1945, quân Pháp bắt đầu đẩy mạnh kế hoạch mở rộng đánh chiếm ra vùng xung quanh Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Từ đây, cuộc chiến quân và dân Nam Bộ chuyển sang giai đoạn mới. Trước tình hình địch mở rộng cuộc tiến công ra vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngày 25-10, Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng, đã quyết định tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Đồng chí Tôn Đức Thắng được cử phụ trách Ủy ban Kháng chiến và chỉ đạo lực lượng vũ trang Nam Bộ.

   Những tháng cuối năm 1945 và đầu 1946, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương trên cả nước đã khẩn trương chi viện sức người, sức của, cùng các chi đội hải ngoại ở Thái-lan, Cam-pu-chia, Lào về Nam Bộ, góp phần tăng thêm sức mạnh cho lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên kháng chiến. Và phát huy tinh thần chiến đấu của các đơn vị vũ trang Sài Gòn-Gia Định, lực lượng vũ trang các tỉnh Nam Bộ đã chiến đấu dũng cảm, ngăn chặn địch khi chúng đánh rộng ra vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong hai tháng cuối năm 1945 và đầu năm 1946, các đơn vị vũ trang đã cùng nhân dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ, chiến đấu ngăn chặn làm chậm bước tiến của quân địch, gây cho quân Pháp những thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, do lực lượng chênh lệch, Xứ ủy Nam Kỳ đã chỉ đạo lực lượng vũ trang các tỉnh, sau khi đánh kìm giữ quân địch trong các thị xã một thời gian, phải rút ra các căn cứ bên ngoài, bảo tồn lực lượng để kháng chiến lâu dài…Cuộc kháng chiến anh dũng của Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, tạo điều kiện để quân dân miền Bắc tranh thủ quỹ thời gian hòa bình, xây dựng và củng cố thực lực, bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược.

   Ngày 23-9-1945, Nam Bộ đã đi đầu cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Và với tinh thần, ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hình ảnh Nam Bộ nói riêng, miền Nam nói chung luôn sâu đậm trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng Tổ quốc. Đồng bào miền Nam xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” vẻ vang mà Hồ Chủ tịch đã tặng vào tháng 2-1946.

   3. Tiếp đó, cả dân tộc đã quyết tâm “thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” theo lời hịch Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946. Với tinh thần và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện và anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, gắn liền với chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, với chiến thắng Biên Giới 1950, Tây Bắc 1952,v.v.. và cuối cùng là Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã kết thúc thắng lợi. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đã giải phóng hoàn toàn miền Bắc, còn ở miền Nam, cuộc đấu tranh giải phóng vẫn đang tiếp tục, bởi vĩ tuyến 17, bởi bờ Bắc, bờ Nam, bởi cầu Hiền Lương và sông Bến Hải vẫn làm nhức nhối trái tim mỗi người dân Việt Nam yêu hòa bình, độc lập, tự do.

   Một đất nước Việt Nam vẫn tạm thời bị chia cắt làm đôi. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của một nước Việt Nam hòa bình, của nhân dân Việt Nam yêu chuộng tự do và công lý chưa thể trở thành hiện thực. Ngang nhiên phá bỏ Hiệp định, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã ngăn cản hai miền Nam – Bắc, và không từ thủ đoạn nào, liên tục thay đổi các chiến lược chiến tranh ở miền Nam, đế quốc Mỹ âm mưu và tìm mọi cách chia rẽ Nam - Bắc thống nhất. Từ chiến lược Chiến tranh đơn phương, chiến lược Chiến tranh đặc biệt, chiến lược Chiến tranh cục bộ, và cuối cùng là chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, đế quốc Mỹ không những ngày càng mở rộng quy mô cuộc chiến tranh, tăng cường xây dựng chế độ ngụy quyền Sài Gòn, xây dựng quân đội ngụy và tăng cường đội quân của các nước chư hầu vào tham chiến, hòng biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, với những nhà tù nhiều hơn trường học, với những đạo luật hà khắc và những quyền tự do, dân chủ giả hiệu “kiểu Mỹ”, mà còn tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, nhằm hủy diệt cơ sở vật chất và tinh thần của miền Bắc XHCN.

   Tin tưởng về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất, thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng của đồng bào miền Nam, công cuộc xây dựng CNXH của đồng bào miền Bắc và sự chi viện về mọi mặt của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã chứng minh rằng, càng mở rộng chiến tranh, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngày càng lún sâu vào “đường hầm không lối thoát”. Bởi rằng, dù đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam và phá họai, hủy diệt miền Bắc XHCN, chúng “quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá”, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam anh hùng.

   Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa khi cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc còn đang tiếp diễn, nhưng hoài bão của Người, khát vọng và tinh thần của Nam Bộ kháng chiến, của toàn dân tộc sau 30 năm chiến đấu kiên cường, đầy mất mát và thương đau đã trở thành hiện thực. Hành trình đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất của nhân dân Việt Nam, đã kết thức bằng Đại thắng mùa xuân năm 1975. Thắng lợi kỳ diệu đó là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh, là thắng lợi của sức mạnh chính nghĩa, của dân tộc và thời đại, của trí tuệ sáng tạo và khát vọng sống độc lập, tự do của miền Nam “đi trước, về sau”, của hậu phương miền Bắc XHCN luôn hướng về miền Nam ruột thịt,v.v.. Và thắng lợi đó đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên cả nước độc lập, tự do, thống nhất và đi lên CNXH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời./.

   TS.Văn Thị Thanh Mai


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.3, tr.557

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.28

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập