Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ tư
Ngày 19/5/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận số 116/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, từ ngày 27 tháng 4 năm 2021, từ khi có đợt dịch thứ 4, đến ngày 19 tháng 5 cả nước đã ghi nhận 1.539 ca mắc mới trong cộng đồng tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là đợt dịch có diễn biến phức tạp, khó lường, do chủng mới của vi rút có độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh và khó chữa trị; đặc biệt, đợt dịch này đã lây lan tại một số khu công nghiệp tập trung đông công nhân…, chưa có kinh nghiệm đối phó với dịch tại các khu công nghiệp. Dịch bệnh xảy ra trong thời điểm chuẩn bị và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trong bối cảnh dịch bệnh tại các nước trong khu vực vẫn tăng cao, nhất là tại Campuchia, Lào và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam ở nước ngoài, Việt kiều tăng cao, gây áp lực lớn đối với công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

07 nguyên nhân chính xảy ra đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021, đó là: Nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh; Quản lý nhập cảnh, đấu tranh ngăn chặn nhập cảnh trái phép, quản lý cư trú, kiểm soát và xử lý cư trú trái phép chưa chặt chẽ, còn có sơ hở; Tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh của một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, kể cả cơ quan, đơn vị Nhà nước và một bộ phận nhân dân; Quản lý cách ly người nhập cảnh, theo dõi y tế sau cách ly thiếu chặt chẽ, sơ hở, chủ quan; Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm đầy đủ yêu cầu 04 tại chỗ; Tại các địa phương, đơn vị chưa có dịch bệnh nên chưa có kinh nghiệm, còn chậm trễ, lúng túng, bị động ứng phó khi có dịch; Một số quy định, quy chế quản lý Nhà nước về phòng, chống dịch còn bất cập, hạn chế, chưa đồng bộ, chưa sát thực tế.

Đã có nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có cách làm sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành. Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện kịp thời, minh bạch, tích cực không chỉ trong hệ thống các cơ quan báo chí của nhà nước mà còn qua các nền tảng khác và phương tiện thông tin xã hội. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch đã thu hút, huy động sự tham gia của đông đảo nhân dân, được tuyệt đại đa số nhân dân tin tưởng, ủng hộ, tự giác và có trách nhiệm thực hiện. Đây là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân tố có ý nghĩa chiến lược, quyết định đến thắng lợi của công tác phòng, chống dịch.

Tính đến thời điểm này, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước và từng bước tại các tỉnh đang có dịch nhưng cần phải hết sức tránh đồng thời cả hai khuynh hướng: Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là khi không có dịch và hốt hoảng, hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi ứng phó dịch bệnh. Đặc biệt, phải xác định chống dịch như chống giặc, kế thừa kinh nghiệm, cách làm tốt có hiệu quả từ 03 đợt dịch trước…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Kiên trì và cương quyết thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và các quy định của pháp luật, kết thúc năm học 2020 - 2021 an toàn; quyết liệt thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, coi sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết./.

Chi tiết xem văn bản tại đây:

Ánh Nguyệt (CTV)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1