Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bưu chính
Lượt xem: 1153
Để thực hiện có hiệu quả Luật Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn một số nội dung liên quan đến hoạt động bưu chính của doanh nghiệp theo Luật Bưu chính.

Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tại Điều 29, Luật Bưu chính

Theo Điều 29, Luật Bưu chính, doanh nghiệp bưu chính có quyền thiết lập mạng bưu chính để cung ứng dịch vụ bưu chính; được thanh toán đủ giá cước dịch vụ bưu chính mà mình cung ứng; được kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận; được từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính nếu phát hiện bưu gửi vi phạm quy định tại Điều 12 của Luật Bưu chính và quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp; được xử lý bưu gửi không có người nhận quy định tại khoản 5 Điều 17 của Luật Bưu chính và được hưởng thù lao, chi phí hợp lý khi thay mặt người sử dụng dịch vụ bưu chính thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu bưu gửi quốc tế quy định tại Điều 15 của Luật Bưu chính.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định, doanh nghiệp bưu chính có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về dịch vụ bưu chính cho người sử dụng dịch vụ bưu chính; niêm yết công khai tại điểm phục vụ Danh mục sản phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính quy định tại Điều 12 của Luật Bưu chính và các quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật Bưu chính; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi cố ý chấp thuận bưu gửi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 của Luật Bưu chính; không được tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính của tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật Bưu chính; không được cung ứng dịch vụ bưu chính vi phạm quy định về phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng dưới mọi hình thức; thực hiện dịch vụ thay đổi họ, tên, địa chỉ người nhận, rút lại bưu gửi, chuyển tiếp, chuyển hoàn bưu gửi theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16, khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật Bưu chính; giải quyết khiếu nại, tranh chấp, bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Bưu chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ bưu chính.

Điều 30 Luật Bưu chính quy định người sử dụng dịch vụ bưu chính có quyền được doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về dịch vụ bưu chính mà mình sử dụng; được bảo đảm an toàn và an ninh thông tin; được khiếu nại về dịch vụ bưu chính đã sử dụng; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Người sử dụng dịch vụ bưu chính có nghĩa vụ ghi đúng họ tên, địa chỉ của người gửi và người nhận; cung cấp thông tin về bưu gửi; chịu trách nhiệm trước pháp luật về bưu gửi; thực hiện các quy định về an toàn, an ninh đối với bưu gửi; thanh toán đủ giá cước dịch vụ bưu chính mà mình sử dụng, trừ trường hợp được miễn, giảm giá cước theo quy định của pháp luật hoặc các bên có thỏa thuận khác; trả thù lao, chi phí hợp lý khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu bưu gửi; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát bưu gửi đến địa chỉ của mình hoặc lắp đặt hộp thư tại vị trí thuận tiện cho việc phát bưu gửi; bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp bưu chính cung ứng dịch vụ theo quy định tại Điều 42 của Luật Bưu chính.

Về trách nhiệm thông báo với Sở thông tin và Truyền thông khi thay đổi giá cước dịch vụ bưu chính của chi nhánh của doanh nghiệp bưu chính

Theo Điều 5 Thông tư số 02/2012/TT-BTTTT ngày 15/3/2012 quy định chi tiết về cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính “doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính những thay đổi về giá cước các dịch vụ bưu chính đang áp dụng hoặc giá cước các dịch vụ bưu chính mới phát sinh trong vòng 30 ngày kể từ ngày giá cước mới có hiệu lực”; theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật doanh nghiệp 2015 “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền…”, trong đó có việc áp dụng tại địa phương mức giá cước dịch vụ bưu chính do doanh nghiệp ban hành hoặc điều chỉnh, bổ sung và các quy định có liên quan khác.

Như vậy, Chi nhánh của doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải thông báo về việc thay đổi giá cước dịch vụ bưu chính với Sở Thông tin và Truyền thông trên địa bàn đã đăng ký hoạt động.

Về việc thực hiện 1 thủ tục thông báo hoạt động bưu chính cho nhiều văn phòng đại diện/Chi nhánh trực thuộc trên địa bàn tỉnh, thành phố

Khi doanh nghiệp muốn thông báo với Sở Thông tin và Truyền thông về hoạt động bưu chính của nhiều Văn phòng đại điện/Chi nhánh trên địa bàn tỉnh/thành phố thì doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ thông báo hoạt động bưu chính của từng Văn phòng đại điện/Chi nhánh; gửi hồ sơ thông báo hoạt động bưu chính chung cho nhiều Văn phòng đại điện/Chi nhánh.

Trường hợp gửi hồ sơ thông báo hoạt động bưu chính chung cho nhiều Văn phòng đại điện/Chi nhánh thì doanh nghiệp cần lưu ý hồ sơ đề nghị xác nhận thông báo hoạt động bưu chính phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 47/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính; thẩm quyền đăng ký thông báo hoạt động bưu chính phải là người có đủ thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật cho các Văn phòng đại điện/Chi nhánh.

Tác giả: Hoa Lý - Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập