VOV.VN - Trên vùng cao Sơn La - những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi hạ tầng viễn thông, internet còn hạn chế... từ lâu, hệ thống truyền thanh cơ sở đã trở thành phương tiện thiết yếu; là “cầu nối” thông tin quan trọng giữa cấp uỷ, chính quyền với bà con.
Mỗi ngày, tiếng loa truyền thanh quen thuộc vẫn vang vọng khắp các bản làng rẻo cao Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La.
Ngoài các chương trình tuyên truyền về chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Bẹ, xã Tà Xùa - ông Thào A Trư vẫn thường thông tin tới bà con về các hoạt động của bản qua đây: "Rất là tiện, nhiều khi mình đi trực tiếp mưa gió, nên có loa này rất tiện, có việc cần mình alo lên, tiện cho bản".
Như nhiều người dân trong bản, Bà Giàng Thị Pàng có thể dễ dàng nghe, nắm thông tin, thông báo qua loa truyền thanh của bản cả khi ở nhà hay khi lên nương, rẫy... "Tôi quen nghe thông tin trên loa rồi, công việc của bản, chỉ đạo của xã hay thông báo về thời tiết, phòng dịch bệnh cho người, cây trồng, vật nuôi... nghe rất tiện luôn".
Tà Xùa là xã vùng cao, các bản nằm rải rác, cách xa nhau, đường giao thông đi lại còn khó khăn. Hệ thống loa ở trung tâm xã và 08 cụm loa phát thanh hoạt động ở các bản đã giúp tin tức tới gần hơn với bà con.
Người phụ trách mảng truyền thanh cơ sở - ông Đinh Thế Anh, công chức văn hóa xã hội xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên luôn đến sớm và về muộn hơn mọi người chia sẻ, các chương trình phát hằng ngày đều được biên soạn kỹ lưỡng, những nội dung nào quan trọng, cấp thiết thì sẽ ưu tiên phát trước để truyền tải nội dung nhanh, chính xác đến với người dân.
"Tôi sẽ trực tiếp điều hành loa thông tin của xã để phát ở khu trung tâm, với các bản sẽ chuyển cho các đồng chí ban quản lý ở bản. Với lịch phát đối với ở bản thì do phụ thuộc vào thời gian bà con nhân dân đi làm là sớm hay muộn, đảm bảo đúng quy định, quy ước, hương ước" - ông Đinh Thế Anh nói.
Sau nhiều năm sử dụng loa truyền thống, hiện nay, bản Lá, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, Sơn La đã được lắp đặt hệ thống loa kỹ thuật số. Tới đây, ông Đinh Văn Huấn, bí thư chi bộ, trưởng bản Lá sẽ không cần phải lên nhà văn hóa bản để phát thông báo, mà có thể chủ động thông tin trên điện thoại di động; tin tức cũng đến với bà con nhanh hơn, thuận tiện hơn...
"Bản chúng tôi có 2 cụm loa, thường xuyên tuyên truyền phát thanh chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, các chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã, và những chỉ thị, văn bản, hướng dẫn của cấp trên, cũng như nghị quyết của chi bộ… đều được phát thanh để bà con cùng nghe và thực hiện." - ông Huấn cho hay.
Cùng với các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh – truyền hình tỉnh, Trung tâm truyền thông – văn hóa các huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La đã trở thành cầu nối thông tin quan trọng, nhất là ở các bản làng xa xôi, cách trở, nơi còn hạn chế về hạ tầng viễn thông, mạng internet...
Ông Đinh Văn Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phù, huyện Phù Yên, Sơn La chia sẻ: Để phát huy vai trò của hệ thống truyền thanh, thường trực UBND xã chỉ đạo bộ phận chuyên môn thực hiện hàng ngày, hàng tuần, có nội dung liên quan tới các hoạt động của địa phương, để thông tin, bà con nắm và thực hiện các nội dung đến phát triển kinh tế xã hội.
Hiện nay, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La đang từng bước chuyển từ mạng có dây sang mạng không dây. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát thực trạng trang thiết bị của hệ thống trạm truyền thanh các xã để kịp thời hỗ trợ đầu tư, nâng cấp thiết bị, mở rộng diện phủ sóng truyền thanh, nhằm rút ngắn khoảng cách thụ hưởng thông tin giữa các xã, phường, thị trấn. Cùng với đó là có cơ chế đãi ngộ đặc thù đối với đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành các trạm truyền thanh cơ sở.