Bộ Thông tin và Truyền thông tổng kết thi hành Luật Bưu chính với 63 Sở Thông tin và Truyền thông
Sáng ngày 10/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Luật Bưu chính 2010 để lấy ý kiến của các Sở Thông tin và Truyền thông nhằm sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực bưu chính trong kỷ nguyên số và trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện 63 Sở Thông tin và Truyền thông; các Cục A03, A06 của Bộ Công an và các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sự cấp thiết của việc sửa đổi Luật Bưu chính 2010
Luật Bưu chính được Quốc hội thông qua tháng 6/2010, đến nay đã thực thi gần 14 năm, là cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành và phát triển thị trường bưu chính tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2010-2023, số doanh nghiệp bưu chính tăng 18 lần (từ 40 lên hơn 700 doanh nghiệp); doanh thu bưu chính tăng 14 lần (từ 4000 tỷ lên 59000 tỷ); sản lượng bưu gửi tăng hơn 7 lần (từ 330 triệu lên 2,4 tỷ). Sự tăng trưởng nhanh chóng của bưu chính trong 14 năm qua, là do tác động tích cực, quan trọng của Luật Bưu chính đến sự phát triển của lĩnh vực bưu chính, cũng như đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 14 năm thi hành, Luật Bưu chính cũng bộc lộ những hạn chế, những nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, nhất là xu thế chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Để bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, đồng thời khắc phục những hạn chế của Luật Bưu chính hiện hành, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng kết việc thi hành Luật Bưu chính từ sau khi ban hành năm 2010 cùng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính và với 63 Sở Thông tin và Truyền thông để đánh giá lại những kết quả đạt được, điểm hạn chế, những nội dung cần bổ sung để tạo tiền đề hình thành thị trường bưu chính phát triển lành mạnh, bền vững trong 5-10 năm tới.
Các Sở Thông tin và Truyền thông phải xem việc nêu ý kiến, góp ý sửa đổi Luật Bưu chính là việc cấp thiết
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương tại Hội nghị tổng kết Luật Bưu chính 2010. Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương khẳng định, Bưu chính là lĩnh vực quản lý nhà nước quan trọng của Bộ, Ngành. Đây là lĩnh vực xuyên suốt kể từ khi thành lập nước đến nay. Ngành ta trước đây còn gọi là ngành Bưu điện nên lĩnh vực bưu chính luôn là lĩnh vực quan trọng.
Ngày nay lĩnh vực bưu chính đã thay đổi nhiều, và ngày càng phát triển, nhất là trong thời đại của thương mại điện tử. Vì vậy, các Sở Thông tin và Truyền thông cần quan tâm và có nghiên cứu góp ý để tránh trường hợp khi Luật ban hành thì mới có ý kiến. Các Sở Thông tin và Truyền thông phải xem đây là cơ hội để phát triển lĩnh vực quản lý của mình, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh.
Việc cấp phép cho doanh nghiệp bưu chính hoạt động cũng là hoạt động góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của địa phương. Tuy nhiên, các Sở cũng phải cân nhắc kĩ, nếu các doanh nghiệp không đủ điều kiện cấp phép thì phải xem xét, báo cáo.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đề nghị Phòng Bưu chính Viễn thông của 63 Sở Thông tin và Truyền thông chủ động nghiên cứu, báo cáo Lãnh đạo Sở và có các đánh giá kỹ lưỡng, tổng thể, toàn diện về các nội dung của Luật Bưu chính./.
Nguồn: https://mic.gov.vn/bo-tttt-tong-ket-thi-hanh-luat-buu-chinh-voi-63-so-tttt-197240510171120714.htm